Phố Đặng Tiến Đông dài 752m, rộng 5m. Từ đầu phố Tây Sơn đi cạnh gò Đống Đa, cắt qua ngã tư Đặng Tiến Đông – Trung Liệt – Trần Quang Diệu đến gần hồ Đống Đa.
Phố Đặng Tiến Đông dài 752m, rộng 5m.
Đất làng Thái Hà, phường Thịnh Quang, tổng Hạ, huyện Vĩnh Thuận cũ. Từ thế kỷ XVIII (thời cuối Lê) thì đây là đất phường Thịnh Quang, một trong 36 phường hợp thành kinh thành Thăng Long.
Phường này kéo dài từ ô Cầu Dừa tới tận Ngã Tư Sở. Đến đời Nguyễn, các phường đời Lê bị chia thành nhiều làng thôn nhỏ thì làng Thịnh Quang là khu vực từ gò Đống Đa tới Ngã Tư Sở, còn từ ô Cầu Dừa đến gò Đống Đa là làng Nam Đồng.
Tới năm 1893 thực dân Pháp cắt một phần đât của làng Nam Đồng cũng như của làng Thịnh Quang để cho Kinh lược sứ Quận công Hoàng Cao Khải lập ra ấp Thái Hà.
Phố Đặng Tiến Đông là cạnh phía Đông của ấp này, trước kia đường hẹp và chỉ có một đoạn ngắn; năm 1985 mới mở rộng, kéo dài.
Và tới tháng 10/1986 đặt tên phố Đặng Tiến Đông.
Nay thuộc phường Thịnh Quang, quận Đống Đa.
Đặng Tiến Đông (1738 – 1803) người làng Lương Xá, huyện Chương Đức (nay là Chương Mỹ – Hà Nội). Dòng dõi một vọng tộc của đất Bắc Hà, trong họ có nhiều người làm quan đến thượng thư, tể tướng tại triều đình Lê – Trịnh.
Tuy vậy Đặng Tiến Đông lại sớm đến với phong trào Tây Sơn. Ông là một trong số rất ít người là sĩ phu đã rời Bắc Hà, rời triều đình Lê – Trịnh vào Nam theo Nguyễn Huệ.
Sau đấy, ông đã lập nhiều chiến công, được phong tước Đông Lĩnh hầu (gần đây có người cho rằng chữ Đông trong tên ông chính là chữ Giản, vấn đề cần nghiên cứu thêm).
Gò Đống Đa là một trong nhiều gò kỷ niệm của vua Quang Trung đại phá quân Thanh năm 1789. Vào dịp kỷ niệm 200 năm chiến thắng Đống Đa, khu đài tượng niệm Quang Trung và công viên văn hóa Đống Đa đã được dựng tại khu đất bên cạnh gò lịch sử này.
Hàng năm, hội gò Đống Đa thường được mở vào mùng 5 tháng Giêng Âm lịch với tục rước rồng lửa và đã thành lễ hội truyền thống của người Hà Nội.
Xem thêm: Phố Nam Cao, quận Ba Đình, Hà Nội