Phố Lê Quý Đôn dài 200m, rộng 8m. Từ đường Trần Khánh Dư đến phố Nguyễn Cao.
Phố Lê Quý Đôn dài 200m, rộng 8m.
Từ đường Trần Khánh Dư đến phố Nguyễn Cao.
Đây nguyên là đất thôn Yên (An) Xá thuộc tổng Hậu Nghiêm, huyện Thọ Xương cũ. Tới giữa thế kỷ XIX, thôn này hợp với thôn Hậu Nghiêm cũng đã đổi ra là tổng Thanh Nhàn.
Thời Pháp thuộc, phố này gọi là phố Macxen Lêgiê (rue Marcel Léger). Cũng trong thời Pháp thuộc, phố Lương Văn Can được đặt là phố Lê Quý Đôn. Năm 1945 đổi tên thành phố Ấu Triệu, năm 1949 đổi thành phố Cấm Chỉ, năm 1951 đổi thành phố Lê Quý Đôn.
Nay thuộc phường Bạch Đằng, quận Ha Bà Trưng.
Lê Quý Đôn (1726 – 1784) tên thật là Lê Danh Phương hiệu Quế Đường, quê ở làng Phú Hậu, huyện Duyên Hà, tỉnh Thái Bình. Ông là một học giả xuất sắc của thế kỷ XVIII. Đỗ bảng nhãn, ông vào làm ở tòa Hàn lâm rồi sung giữ việc soạn quốc sử. Năm 1760 đi sứ Trung Quốc. Trong dịp này ông có dịp đọc những bản dịch các sách khoa học của phương Tây thời đó.
Về nước ít lâu, do bị dèm pha nên ông về nghỉ ở nhà, lấy việc soạn sách làm vui. Năm 1767, Trịnh Sâm lên ngôi chúa, lại vời ông ra thăng đến chức Bồi tụng.
Năm 1776, ông được cử giữ chức Tham thị đạo Thuận Quảng, rồi ít lâu sau lại về Thăng Long giữ các chức Thị lang, Đô ngự sử… Năm 1783, ông làm hiệp trấn Nghệ An rồi lại về triều giữ chức Công bộ Thượng thư.
Ngày 14 tháng 4 năm Giáp Thìn (1784), ông mất ở quê mẹ là làng Nguyễn Xá (huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam ngày nay).
Lê Quý Đôn là nhà bác học, nhà văn hóa lớn đã để lại nhiều tác phẩm nổi tiếng thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau: sáng tác, sưu tầm, lịch sử, triết học, kinh tế, địa lý như: Phủ biên tạp lục, Vân đài loạn ngữ, Kiến văn tiểu lục, Đại Việt thông sử mang tính bách khoa thư.