Là một phố cụt, ở bên dãy số lẻ phố Nguyễn Thái Học, chỗ số nhà 161 rẽ vào. Đây nguyên là đất thôn Cổ Thành tổng Hữu Nghiêm, huyện Thọ Xương cũ. Tới giữa thế kỷ XIX, thôn này hợp với thông Hậu Giám thành thôn Cổ Giám, tổng Yên Hòa.
Phố Lý Văn Phúc dài 120m, rộng 6m.
Thời Pháp thuộc, đây là đường số 204 (voie N 204).
Năm 1949 đổi thành phố Lý Văn Phức.
Nay thuộc phường Cát Linh, quận Đống Đa.
Lý Văn Phúc (1785-1849) người Việt gốc Hoa quê làng Hồ Khẩu, huyện Vĩnh Thuận cũ, nay là phường Bưởi, quận Tây Hồ.
Ông đỗ cử nhân năm 1819, được bổ làm quan dưới triều Minh Mạng, Thiệu Trị, từng đi sứ Bắc Kinh, đi giao thiệp mua bán hàng hóa cho nhà vua ở Lữ Tống (Phi-líp-pin), Tân-gia-ba (Singapore), Qua-oa (In-đô-nê-xi-a)…
Lý Văn Phức viết nhiều. Trừ Nhị thập tứ hiếu (chuyện 24 người con có tiếng là hiếu đễ), viết bằng thơ lục bát, chứa đựng một thế giới quan phong kiến, lạc hậu, còn thì phần lớn các truyện nôm khác như “Tây sương”, “Ngọc Kiều Lê” đều có giá trị nhân đạo khá rõ rệt.
Ông còn là tác giả nhiều sách ghi lại những điều mắt thấy tai nghe trong những lần đi ra nước ngoài, đó là những tài liệu quý về địa lý, lịch sử, dân tộc học…
Xem thêm: Phố Hàng Bồ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội