Từ phố Hàng Vôi đến phố Hàm Long, chạy cắt ngang các phố Lý Thái Tổ, Lê Lai, Tràng Tiền, Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo.
Phố Ngô Quyền dài 1.220m, rộng 14m.
Đây nguyên là phần đất của nhiều thôn cũ, tính từ bắc xuống nam là các thôn: Trừng Thanh Kiếm Hồ thuộc tổng Tả Túc, Hậu Bi và Hậu Lâu, thuộc tổng Hữu Túc và Hàm Châu thuộc tổng Hậu Nghiêm.
Tất cả đều ở trong huyện Thọ Xương. Tới giữa thế kỷ XIX, hai thôn Hậu Bi và Hậu Lâu hợp nhất thành thôn Cựu Lâu và thôn Hàm Châu tách phần phía Bắc thành thôn Vọng Đức, còn phần phía nam thì hợp với thôn Tràng Khánh thôn Hàm Khánh.
Thời Pháp thuộc năm 1892 có tên là đại lộ Hăngri Rivie (Boulevard Henri Rivie), năm 1945 đổi thành phố Ngô Quyền. Những lần đổi tên sau vẫn giữa nguyên tên này.
Nay thuộc phường Lý Thái Tổ, Tràng Tiền và Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm.
Di tích cũ ở phố còn đình Kiếm Hồ nay là số 7 Hàng Vôi và chùa Hàm Long của thôn Hàm Châu cũ nay ở trong ngõ 20 phố Hàm Long.
Nhưng về di tích cách mạng thì phố Ngô Quyền có ngôi nhà đáng ghi nhớ, đó là nhà số 12, nay là nhà khách của Chính phủ. Đây nguyên là tư dinh của Thống sứ Bắc Kỳ xây dựng từ năm 1918 trên đất cảu chùa Báo Ân cũ (xem mục Đinh Tiên Hoàng).
Sau khi Nhật đảo chính Pháp (9/3/1945), nhà này trở thành phủ Khâm sai, tức nơi làm việc của viên Khâm sai đại thần cai quản cả Bắc Kỳ. Ngày 19/8/1945, sau khi kết thúc cuộc mít ting ở quảng trường Nhà hát Lớn, vào hồi 12 giờ trưa, đoàn tuần hành tiến về nơi đây bao vây phủ Khâm sai.
Trong lúc tên quản chỉ huy đội Bảo an binh còn dùng dằng thì tự vệ và đồng bào ta đã vượt hàng rào sắt tiến vào. Tất cả lính Bảo an xin nộp súng đầu hàng. Khởi nghĩa thắng lợi!.
Sau đó ngôi nhà này trở thành nơi làm việc của Bác Hồ (lúc này thường gọi là Bắc Bộ phủ). Ở đây đã khai mạc phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời.
Cũng ở đây Bác Hồ và Trung ương Đảng đã đề ra những chủ trương chính sách đưa cách mạng tiến lên từng bước giữa bao khó khăn của buổi ban đầu.
Ngô Quyền (899-944) quê ở Đường Lâm nay thuộc huyện Ba Vì, ngoại thành Hà Nội, là con Ngô Mân, châu mục Châu Phong.
Buổi đầu ông vào châu Áu (Thanh Hóa) theo Dương Đình Nghệ, được ông này tin yêu, gả con gái cho. Năm 931, Đình Nghệ đem quân ra thành Đại La đánh đuổi bọn quan đô hộ nhà Nam Hán, giàng được quyền tự chủ. Nhưng tới năm 937 ông bị tướng Kiều Công Tiễn giết hại.
Nghe tin, Ngô Quyền từ châu Ái đem quân ra hỏi tội tên phản bội. Công Tiễn đê hèn đã cầu cứu nhà Nam Hán! Thế là cuối năm 938, vua Nam Hán cho con là Lưu Hoằng Thao đưa thủy quân sang xâm lược nước ta. Ngô Quyền cho đóng cọc đầy lòng sông Bạch Đằng, lập một trận địa ngầm chờ giặc…
Quân Nam Hán tới đây, đang lúc nước triều lên ngập cọc, Ngô Quyền cho thuyền nhẹ nhử quân địch. Hoằng Thao thúc quân đuổi, vượt qua trận địa cọc của ta mà không biết.
Quân ta cầm cự cho tới lúc thủy triều xuống thì đánh quật lại. Thuyền địch va vào cọc nhọn, bị vỡ và đắm rất nhiều. Hoằng Thao cũng bỏ mạng ở khúc sông này.
Chiến thắng Bạch Đằng do tài tổ chức của Ngô Quyền đã nói lên sự lớn mạnh của nhân dân ta về trí tuệ và về khả năng đánh bại kẻ thù không những chỉ ở trên bộ mà cả bằng thủy chiến.
Với chiến thắng này, Ngô Quyền đã chấm dứt một nghìn năm thống trị của phong kiến Trung Quốc, mở ra kỷ nguyên độc lập lâu dài của dân tộc.
Sau khi giặc tan, Ngô Quyền xưng vương, đóng đô ở Cổ Loa (huyện Đông Anh, ngoại thành Hà Nội) xây dựng một vương triều độc lập.
Xem thêm: Phố Chu Văn An, quận Ba Đình, Hà Nội